Ra mắt Shark Tank, “thiếu gia” Đặng Hồng Anh vẫn chưa được xuống tiền

20/09/2018 11:10

Lần đầu ngồi vào ghế nóng tại Shark Tank, Shark Đặng Hồng Anh (Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC) đã từ chối đầu tư vào 2 startup chưa đúng khẩu vị. Dù hứng thú với startup năng lượng Power Centric, Shark Hồng Anh đành phải giữ tiền lại trước mức độ chịu chi của Shark Hưng.

Ra mắt Shark Tank, “thiếu gia” Đặng Hồng Anh vẫn chưa được xuống tiền

Lần đầu ngồi vào ghế nóng tại Shark Tank, Shark Đặng Hồng Anh (Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC) đã từ chối đầu tư vào 2 startup chưa đúng khẩu vị. Dù hứng thú với startup năng lượng Power Centric, Shark Hồng Anh đành phải giữ tiền lại trước mức độ chịu chi của Shark Hưng.

Shark Đặng Hồng Anh lần đầu ngồi ghế nóng của Shark Tank Việt Nam.

Từ chối Trung tâm yến sào vì cấu trúc công ty rắc rối

Thương vụ đầu tiên gọi vốn tại Shark Tank tập 12 là Trung tâm triển lãm yến sào Việt Nam VBEC. Với mong muốn xây dựng mô hình trải nghiệm yến sào, Yến Quân - nhà sáng lập của VBEC kêu gọi đầu tư 10 tỷ đồng cho 10% cổ phần Công ty.

Theo phần trình bày của nhà sáng lập, VBEC chính thức mở cửa từ tháng 6/2017 nhưng chủ yếu để quảng bá hoạt động du lịch, doanh thu vẫn đạt được mức hòa vốn với con số 20 triệu đồng trên báo cáo tài chính, lãi ròng đạt 5 triệu đồng. Thậm chí, nửa đầu năm 2018, Công ty vẫn chưa có lời.

Bức tranh lại càng rối thêm khi Yến Quân cho biết công ty đang có 34 cổ đông, trong đó 4 cổ đông ban đầu và 30 cổ đông từ vòng gọi vốn cộng đồng với giá 30 triệu đồng/suất đầu tư. Các cổ đông đã mua cổ phần từ vòng Crowd Funding sẽ được nhà sáng lập đảm bảo chia 18% lợi nhuận dù bất kể công ty lời lỗ. Nếu Công ty lỗ, Yến Quân sẽ tự bỏ tiền túi ra bù cổ tức cho các cổ đông.

Rắc rối chưa dừng ở đó khi các nhà đầu tư tiếp tục có những thắc mắc mối quan hệ giữa VBEC và thương hiệu Yến sào Yến Quân.

Nhận thấy cấu trúc công ty quá rắc rối, nhiều bất cập trong mô hình kinh doanh cũng như nghi ngại về khả năng quản lý của nhà sáng lập, Shark Linh, Shark Hồng Anh, Shark Dũng và Shark Hưng lần lượt từ chối đầu tư vào VBEC. Khi 4/5 “cá mập” quay lưng đi thì Shark Phú lại đưa ra lời đề nghị đầu tư 10 tỷ đồng với hình thức trái phiếu chuyển đổi cổ phần, lợi nhuận 18% năm. Đi gọi vốn với tâm thế “muốn được làm bạn với Shark”, trước lời đề nghị Shark Phú, Yến Quân gật đầu ngay lập tức mà không đắn đo, suy nghĩ.

Liên minh bất thành với Shark Hưng

Thương vụ tiếp theo đến từ Ngọc Minh - nhà sáng lập kiêm CEO của Power Centric, Công ty chuyên nghiên cứu và sản xuất công nghệ năng lượng xanh như Pin và hệ thống lưu trữ máy phát điện. Đến tham gia Shark Tank cùng giám đốc điều hành Power Centric, Ngọc Minh mời chào nhà đầu tư hai mức giá 500,000 USD cho 10%, hoặc 1.5 triệu USD cho 30% cổ phần.

Sản phẩm kinh doanh chính của startup là bình trữ điện đa năng MoPo, sản phẩm có thể thay thế ắc quy chì – axit hiện hành. Nhà sáng lập cho biết sản phẩm đã hoàn thành nghiên cứu và đưa ra thị trường, đạt doanh thu hơn 500 triệu đồng sau 2 tháng chạy thử. Power Centric đã có nhà xưởng với dây chuyền sản xuất theo thiết kế có thể đạt 60 nghìn sản phẩm/năm. Giá bán một sản phẩm dự kiến khoảng 499 USD tại thị trường Việt Nam.

Dù nhận thấy nhu cầu thị trường lớn nhưng Shark Dũng và Shark Linh vẫn lắc đầu từ chối. Nếu Shark Dũng rút lui vì không thuộc lĩnh vực sở trường thì Shark Linh lại cho rằng Power Centric bỏ ra 10% cổ phần đi gọi vốn lúc này là phí phạm. “Chị thấy em không cần các Shark ở đây, bỏ ra 10% lúc này là phí. Em lớn lên ở Mỹ thì cứ bán ở thị trường bên đó đi khoan hãy nghĩ về Việt Nam.” – Shark Linh nói.

Ở một thế trận khác, dù đánh giá câu chuyện chế tạo năng lượng không có gì mới nhưng Shark Hưng vẫn thấy hứng thú với MoPo bởi “cá mập” nhìn thấy tiềm năng thị trường còn rất lớn. Do đó, ông lập tức đưa ra đề nghị 500,000 USD cho 30% cổ phần công ty Power Centric với mục tiêu biến mấy chục ngàn cây xăng ở Việt Nam thành trạm sạc, đổi ắc quy”.

Sau khi nghe startup trình bày về tiềm năng sản phẩm và nhu cầu thị trường, Shark Hồng Anh bày tỏ muốn cùng hợp tác với Shark Hưng bởi lợi thế, Tập đoàn TTC của ông cũng đang làm năng lượng rooftop với solar. Tuy nhiên, lời đề nghị này bất ngờ bị Phó Chủ tịch Cenland thẳng thừng từ chối kèm tuyên bố: “Anh có thể trở thành khách hàng của bên tôi”.

Cuộc đua trở nên cực gây cấn khi Shark Phú nhập cuộc cùng Shark Hồng Anh với lời đề nghị 500,000 USD đổi lấy 25% cổ phần Power Centric.

Trước diễn biến này, Ngọc Minh nhanh nhạy muốn gom cả ba nhà đầu tư về một mối với giá 1 triệu 500,000 USD. Tuy nhiên, lời đề nghị này bị “cá mập” của CenLand khước từ với lý do “lắm cha con khó lấy chồng”. Đồng thời, Phó Chủ tịch CenLand đưa ra đề nghị đầu tư hẳn 1 triệu USD, trong đó 500 nghìn USD cho 30% cổ phần Power Centric, còn lại là cho vay chuyển đổi.

Ngỡ ngàng về pha chi bạo của Shark Hưng, Shark Hồng Anh và Shark Phú liền lên tiếng lôi kéo startup về đội mình. Tuy nhiên, muốn nhận đầu tư nhiều hơn nhưng không bị pha loãng cổ phần, Ngọc Minh lần nữa mạnh dạn thương lượng lại với nhà đầu tư. Cuối cùng, nhà sáng lập Power Centric cùng Phó Chủ tịch CenLand đã tìm thấy nhau ở mức 25% cổ phần cho số vốn 1 triệu USD đầu tư.

Bức tranh tài chính của start up không khả thi, Shark Hồng Anh tiếp tục giữ tiền

Sau liên minh bất thành với Shark Hưng, Phó Chủ tịch của Tập đoàn TTC tiếp tục giữ tiền trong túi với thương vụ thứ 3 đến từ cặp đôi Quỳnh Khanh và Minh Tân, đồng sáng lập Nextfit - ứng dụng luyện tập, cung cấp giải pháp luyện tập cá nhân dành riêng cho những người bận rộn.

Mở đầu phần thuyết trình, Quỳnh Khanh cho biết đối tượng người dùng mà Nextfit nhắm đến là phân khúc khách hàng cao cấp, phụ nữ ở căn hộ cao cấp có sẵn không gian tập luyện trong độ tuổi từ 25-45. Sản phẩm bắt đầu chạy từ tháng 1/2018, lợi nhuận Nextfit thu về cho mỗi buổi tập giữa PT (huấn luyện viên cá nhân) với khách hàng là 20%. Nextfit hiện có tổng cộng 30 huấn luyện viên. Nextfit định vị sản phẩm theo on-demant (theo yêu cầu), khách hàng có thể tự do chọn lựa PT khi có thời gian rảnh rỗi chứ không ràng buộc hợp đồng cố định. 

Chiến lược này lập tức bị  Shark Dũng chỉ ra sai lầm, ông đưa ra nhận định: “Em đi theo on-demant là một sai lầm, mô hình on-demant anh nghĩ không hiệu quả”.

Trở về vấn đề định giá, Quỳnh Trang cho hay tham vọng của Nextfit vào giữa năm 2019 có thể đạt doanh thu lên đến 600 nghìn USD, đến năm 2020 có thể thu hồi vốn. Dựa theo mục tiêu người dùng và huấn luyện viên, đến 2022-2023 mở rộng ra nước ngoài để thu hút khoảng 600 người dùng, 72 nghìn PT. Để hiện thực hóa, hai nhà sáng lập mong muốn kêu gọi đầu tư 200 nghìn USD đổi lấy 10% cổ phần để có nguồn kinh phí hỗ trợ PT trong việc tìm thêm khách hàng, sau đó PT sẽ giới thiệu người quen, bạn bè vào mạng lưới của Nextfit. Các Shark nhanh chóng cho rằng mức định giá này là chưa hợp lý, đến 10 năm nữa Nextfit cũng chưa đạt được mức doanh thu như mong muốn.

Sau cùng, Shark Hồng Anh, cùng Shark Phú và Shark Hưng từ chối đầu tư vào Nextfit. Lý do Phó chủ tịch TTC Land đưa ra là các con số đưa ra không có tính khả thi dù ý tưởng kinh doanh khá hay.

Yến Chi

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma