Tiền đầu cơ vào nhanh và cũng rút đi rất nhanh, nhà đầu tư chứng khoán coi chừng trắng tay

27/11/2020 13:13

Thị trường chứng khoán (TTCK) đang có chuỗi phiên tăng điểm ấn tượng. Đánh giá về triển vọng thị trường giai đoạn cuối năm, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á Huỳnh Anh Tuấn cho rằng, VN-Index có thể đạt đến mốc 1.000 điểm, nhưng rủi ro vẫn tiềm ẩn.

Chỉ số VN-Index đã tăng 50%, từ 660 điểm lên 990 điểm từ tháng 4 năm nay. Trên sàn TP.HCM, thanh khoản cao nhất đạt hơn 650 triệu cổ phiếu. Giá trị khớp lệnh có phiên đạt gần 9.000 tỷ đồng.
Theo Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á Huỳnh Anh Tuấn, nguyên nhân tăng nóng của thị trường thời gian qua là khi có tin đại dịch xảy ra, thị trường giảm quá nhanh đã kích thích lòng tham của nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội sinh lời nhanh.
Chính việc giãn cách xã hội đã làm xuất hiện lớp nhà đầu tư mới tìm kiếm cơ hội tham gia TTCK khi tiền gửi tiết kiệm có khả năng sinh lời kém. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp không thể mở rộng kinh doanh nên dòng tiền dồi dào mang đầu tư vào chứng khoán.
Thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, tài khoản mở mới trong tháng 4/2020 của các nhà đầu tư trong nước tăng vọt, đạt 36.721 tài khoản và liên tục tăng nhanh qua các tháng tiếp theo. Trong tháng 10/2020, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới hơn 36.000 tài khoản, tăng hơn 5.000 tài khoản so với tháng 9, tương ứng tăng 16%. Tổng cộng từ đầu năm đến cuối tháng 10, đã có hơn 288.000 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân được mở mới.
 
Tổng cộng từ đầu năm đến cuối tháng 10, đã có hơn 288.000 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân được mở mới.
Từ đầu năm đến cuối tháng 10/2020, đã có hơn 288.000 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân được mở mới.
 
Bên cạnh đó, chính sách bơm tiền của các chính phủ và thông tin về thử nghiệm sớm vắc-xin đã tạo niềm tin cho nhà đầu tư vào sự hồi phục của nền kinh tế theo hình chữ V.
Kỳ vọng luật chứng khoán có hiệu lực từ năm 2021 cũng sẽ giúp TTCK Việt Nam được đưa vào danh sách nâng hạng và thu hút dòng tiền lớn từ các quỹ đầu tư. Nhiều quỹ ETF nội được hình thành cũng minh chứng cho dòng tiền khá dồi dào từ các nhà đầu tư trong nước.
Nhận xét về diễn biến TTCK trong thời gian qua, ông Huỳnh Anh Tuấn đã có cuộc trao đổi ngắn với Doanh nhân Sài Gòn như sau:
* Dòng tiền đổ vào TTCK thời gian qua rất lớn, nó đến từ đâu thưa ông?
Lãi suất tiết kiệm kém hấp dẫn đã kích hoạt dòng tiền từ tiết kiệm dịch chuyển sang tìm kiếm cơ hội đầu tư có mức sinh lời cao hơn. Các công ty thừa tiền đã mua lại cổ phiếu quỹ và một số công ty do bị tác động bởi Covid-19 không thể mở rộng kinh doanh cũng tìm đến kênh đầu tư chứng khoán.
 
[Caption]Ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng, TTCK tăng mạnh một phần nhờ dòng tiền đến từ Hàn Quốc chảy khá mạnh vào thị trường thông qua hoạt động margin.
Theo Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á Huỳnh Anh Tuấn, TTCK tăng mạnh một phần nhờ dòng tiền đến từ Hàn Quốc chảy khá mạnh vào thị trường thông qua hoạt động margin.
 
Dòng tiền đến từ Hàn Quốc cũng chảy khá mạnh vào thị trường thông qua hoạt động margin (cho vay cầm cố) của các công ty chứng khoán ngoại. Hiện nay có không dưới 6 công ty chứng khoán Hàn Quốc tại Việt Nam và con số này đang tiếp tục tăng lên.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, chỉ 3 công ty chứng khoán Hàn Quốc đã có dư nợ cho vay lớn hơn cả 3 công ty chứng khoán Việt Nam đang dẫn đầu thị phần môi giới (SSI, HSC và VPS). Chẳng hạn, Chứng khoán Mirae Asset có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng nhưng dư nợ margin lớn gần gấp đôi.
* Thời gian qua, nhóm cổ phiếu nhỏ tuy có kết quả kinh doanh không khả quan nhưng cũng được nhà đầu tư đổ tiền vào. Điều này nên được lý giải như thế nào thưa ông?
Thị trường luôn có dòng tiền đầu tư và đầu cơ. Nhà đầu tư theo trường phái đầu cơ thì muốn kiếm lãi nhanh, vì thế họ ít quan tâm đến yếu tố cơ bản mà chỉ đầu tư theo tin đồn hay đội lái.
Điều quan trọng là phải giữ cái đầu tỉnh táo không quá bị cuốn vào nhóm cổ phiếu này. Hiện nay dòng tiền đầu cơ vào nhanh và họ cũng rút đi rất nhanh, do đó nhà đầu tư phải hết sức thận trọng.
* Có quan điểm cho rằng, một phần lớn nguồn tiền từ các gói kích thích kinh tế không vào sản xuất mà chuyển qua chứng khoán. Ngay cả người dân, doanh nghiệp cũng đang "say" với chứng khoán. Liệu có xảy ra bong bóng như giai đoạn 2007-2008 không?  
Tôi cho rằng điều này không quá lo lắng. Khi đại dịch xảy ra làm cho nhu cầu tiêu dùng giảm xuống, không ít doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhưng họ phải cố gắng duy trì và đảm bảo lợi nhuận cho cổ đông nên tìm các kênh đầu tư sinh lời khác ngoài mảng kinh doanh truyền thống là việc làm bình thường. Khi đại dịch qua đi, ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp làm ăn tốt thì vẫn thoải mái vay tiền để mở rộng kinh doanh thôi.
* Theo ông, trong giai đoạn cuối năm, TTCK còn cơ hội để tăng nữa không?
Thị trường đang bước vào giai đoạn khó khăn trong ngắn hạn, nhưng xét về dài hạn tôi vẫn thấy thị trường còn nhiều cơ hội. Chẳng hạn như tỷ trọng của thị trường Việt Nam trong chỉ số MSCI Frontier 100 Index (chỉ số được các quỹ ngoại dùng để theo dõi các thị trường cận biên như Việt Nam) có thể được nâng lên 15,76% sau giai đoạn đầu và lên 28,76% khi Kuwait được loại bỏ hoàn toàn khỏi rổ chỉ số. Điều này có nghĩa là sẽ có dòng tiền từ khối ngoại quay lại mua ròng trong thời gian tới.
 
Sẽ có dòng tiền từ khối ngoại quay lại mua ròng trong thời gian tới.
Sẽ có dòng tiền từ khối ngoại quay lại mua ròng trong thời gian tới.
 
Thông tin về vắc-xin thử nghiệm thành công sẽ sớm đưa nền kinh tế các nước mở cửa trở lại, và Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn khu vực sẽ thu hút mạnh dòng vốn FDI. Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư công chủ yếu vào cơ cơ hạ tầng, nên khi dịch bệnh qua đi sẽ tạo động lực cho kinh tế phát triển nhanh và bền vững cho năm 2021.
Do đó, chỉ số VN-Index có khả năng đạt đến 1.000 điểm vào cuối năm. Các ngành sẽ tăng nhiều cũng phân hóa.
Tôi cho rằng, nhà đầu tư nên chú ý đến những ngành hưởng lợi từ chính sách giải ngân đầu tư công của chính phủ. Đó là các doanh nghiệp liên quan đến xây dựng hạ tầng, dầu khí, bán lẻ và doanh nghiệp xuất khẩu.
Riêng ngành bất động sản thì tiềm năng tăng trưởng chưa rõ ràng. Chỉ có mảng bất động sản khu công nghiệp sẽ hưởng lợi do dịch chuyển chuyển sản xuất từ nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên trong giai đoạn dịch bệnh, các doanh nghiệp nước ngoài cũng hạn chế tìm hiểu cơ hội đầu tư.
* Xin cám ơn ông!
 
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma