Cảnh báo rủi ro doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu

12/03/2020 20:29

Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành kiểm soát chặt việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản để huy động vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để tránh rủi ro dòng tiền.

Cảnh báo rủi ro doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu

Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành kiểm soát chặt việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản để huy động vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để tránh rủi ro dòng tiền.

* Trái phiếu bất động sản : Cơ hội cho những ai ?

* Trái phiếu bất động sản: Hấp dẫn hơn, nhưng...

Cảnh báo rủi ro doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu - Ảnh 1.
Bộ Xây dựng lo ngại việc các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu thiếu kiểm soát sẽ gây rủi ro thị trường - Ảnh: B.N

Kiến nghị được Bộ Xây dựng đưa ra trong báo cáo về thị trường bất động sản vừa gửi tới thủ tướng. Theo bộ này, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp khó khăn về tín dụng đầu tư bất động sản và an toàn dòng vốn.

Các tổ chức tín dụng, ngân hàng đang thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng đối với bất động sản theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, dẫn đến doanh nghiệp bất động sản, các chủ đầu tư dự án và cả người mua nhà đều khó tiếp cận tín dụng.

Từ đó, một số doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao, từ 11-13%/năm. Có doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất huy động đến 14,5%/năm, đây là nguy cơ để tồn đọng dòng vốn, tạo rủi ro, mất an toàn dòng vốn cho thị trường bất động sản.

Theo Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản còn gặp vướng mắc về trình tự, thủ tục quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận dự án đầu tư.

Một số địa phương - trong đó có TP.HCM - lúng túng trong việc thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư dự án, đặc biệt là nội dung liên quan đến quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án do nhiều quy định pháp luật chưa thống nhất, dẫn đến thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dự án kéo dài, gây khó khăn cho việc triển khai dự án.

Nhiều dự án bất động sản tại Hà Nội, TP.HCM phải tạm dừng, khi 2 địa phương này chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát tính pháp lý và xử lý các dự án đã ảnh hưởng tới nguồn cung thị trường.

Riêng tại TP.HCM, nhiều chủ đầu tư vướng mắc trong xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của dự án.

Nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn về nguồn vốn muốn chuyển nhượng toàn bộ, hoặc một phần dự án cho chủ đầu tư khác không thực hiện được, do chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bộ Xây dựng nhận định, thị trường bất động sản tại các đô thị lớn, đặc biệt là TP.HCM, đang xảy ra tình trạng số lượng dự án bất động sản được phê duyệt mới sụt giảm mạnh so với cùng kỳ những năm trước, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nhà ở trong tương lai.

Tại Hà Nội, TP.HCM tỉ lệ căn hộ trung, cao cấp chiếm tỉ lệ cao, khoảng 50-60% tổng số căn hộ. Hầu hết các đô thị lớn trên cả nước đều thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại bình dân.

B.NGỌC

Tuổi trẻ

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma