ĐHĐCĐ ANV: Vào thị trường Mỹ không khó, khó là đứng vững ở đây

17/05/2019 16:52

Chiều ngày 17/05, tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 của CTCP Nam Việt (Navico, HOSE: ANV), Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Doãn Tới cho biết lĩnh vực cá tra có 5 sao, trong đó thị trường Mỹ là sao khó khăn nhất. Nam Việt vào thị trường Mỹ không khó, cái khó là đứng vững ở đây. Nam Việt sẽ quyết tâm quay lại thị trường Mỹ bằng mọi giá.

ĐHĐCĐ ANV: Vào thị trường Mỹ không khó, khó là đứng vững ở đây

Chiều ngày 17/05, tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 của CTCP Nam Việt (Navico, HOSE: ANV), Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Doãn Tới cho biết lĩnh vực cá tra có 5 sao, trong đó thị trường Mỹ là sao khó khăn nhất. Nam Việt vào thị trường Mỹ không khó, cái khó là đứng vững ở đây. Nam Việt sẽ quyết tâm quay lại thị trường Mỹ bằng mọi giá.

“Tôi cũng đau đớn với Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) lắm rồi!”

Nói về Nam Việt, Chủ tịch Doãn Tới cho biết:

"Tôi không phải là doanh nhân, tôi là anh bộ đội khi tốt nghiệp trường Sĩ quan Lục quân năm 1977 ở Bắc Ninh nên làm việc cũng muốn tốc chiến tốc thắng.

Năm 2002, Nam Việt dồn lực lượng tập trung xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đó là năm thắng lợi rực rỡ của Nam Việt khởi nguồn. Chỉ trong 6 năm, quy mô của Nam Việt dẫn đầu thị trường… Nhưng khi quá nhiều tiền, tôi nghĩ cần chia trứng vào nhiều giỏ, từ đó nhà máy cromit Cổ Định Thanh Hóa và DAP số 2 Lào Cai ra đời thành công khi bán được sản phẩm nhưng lỗ quá, không chịu nổi. Vì thế, Nam Việt bắt đầu quay lại ngành cá tra vào năm 2011 để phục hồi lại. Lịch sử Nam Việt có những năm tháng khó khăn do ảnh hưởng từ dự án DAP Lào Cai. Để giúp Nam Việt tươi sáng, gia đình tôi đã mua lại dự án DAP Lào Cai, chứ không phải lấy túi bên A bỏ bên B".

Ngoài ra, ông Tới nói: “Tôi cũng đau đớn với Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) lắm rồi!”.

Được biết, hiện giá trị đầu tư của Nam Việt vào MSB là 135 tỷ đồng, vào Cromit Cổ Định Thanh Hóa hơn 20 tỷ đồng.

Vào thị trường Mỹ không khó, cái khó là đứng vững ở đây

Nói về ngành cá tra, ông Tới cho rằng trong ngành cá có 5 sao. Sao số một là giống, hiện chỉ có Nam Việt thực hiện được điều này. Sao thứ hai là cá nguyên liệu, không phải mua cá bên ngoài trong bối cảnh thiếu hụt rất cao với nhiều size khác nhau. Sao thứ ba không khó lắm là nhà máy thức ăn, chỉ cần có đất, tiền, công nghệ thì làm được. Sao thứ tư là nhà máy với hệ thống thiết bị, nguồn nhân lực đảm bảo, tận dụng tối đa hiệu suất.

Sao thứ năm là thị trường, đây là vấn đề khó nhất, Nam Việt đã xây dựng được khối thị trường yên tâm. Chính sách của Nam Việt là mở rộng tất cả các thị trường, phải đảm bảo được chất lượng và giá cạnh tranh thì chắc chắn bền vững. Nam Việt qua Mỹ không khó, mà khó là đứng vững ở đây, không kiện cáo. Nam Việt sẽ quyết tâm quay lại thị trường Mỹ bằng mọi giá.

Đối với thị trường Trung Quốc thì rất tiềm năng, người dân coi sản phẩm này là một loại cao cấp với nhiều kiểu chế biến. Nam Việt xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này.

Tại thị trường Brazil, Nam Việt là số một, nhưng gần đây, thị trường đưa ra nhiều chính sách “không giống ai”, Nam Việt đề nghị họ lấy tiêu chuẩn của Mỹ hoặc EU. Ngoài ra, thị trường Trung Đông cũng rất tiềm năng, Nam Việt sắp tới sẽ sang đó để đàm phán mở cửa cho hàng của Việt Nam vào.

Năm 2019, đặt mục tiêu lãi sau thuế 700 tỷ đồng

Nói về năm 2018, Thành viên HĐQT Doãn Chí Thiên cho biết xuất khẩu cá tra năm qua có sự phát triển ngoạn mục, từ kim ngạch 1.78 tỷ USD năm 2017 bật lên đạt mức kỷ lục 2.26 tỷ USD, tức tăng trưởng 26.4% so với năm 2017. Trên thực tế, trong suốt 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ từ 1.5 tỷ USD đến 1.8 tỷ USD. Sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2018 đối với cá tra có được nhờ sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố. Đầu tiên là nền tảng từ năm 2017 đã có những kết quả tốt, giá cá tra ở mức cao. Một phần quan trọng là các doanh nghiệp cá tra đã ý thức được việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất theo chuỗi từ con giống đến chế biến, tiêu thụ đã giúp các doanh nghiệp chủ động nguồn cung để đưa ra thị trường. Ngoài ra, năm 2018, nhu cầu từ các thị trường đều tăng. Đáng chú ý là thị trường Mỹ tăng trưởng cao nhất với tốc độ 54.5%, chiếm 24.2% thị phần, trở lại là thị trường số 1 của cá tra Việt Nam.

Với đà thuận lợi đó, năm 2019 cá tra vẫn còn đà phát triển tốt, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc còn nhiều tiềm năng do nhu cầu tiêu thụ lớn, sản phẩm đa dạng và thị trường gần. Giá cá tra cuối năm 2018 vẫn duy trì ở mức cao khiến người nuôi trồng được lợi lớn, nguyên nhân là nguồn cung cá nguyên liệu giống hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, do tình hình thời tiết ảnh hưởng đến việc ương giống. Đầu năm 2019, xuất khẩu cá tra vẫn duy trì nhịp độ tốt, dự báo giá cá sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và nhu cầu từ thị trường Trung Quốc sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, ngành cá tra vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và sẽ có những tác động nhất định đến nhu cầu nhập khẩu thủy sản toàn cầu; sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường thủy sản thế giới cả về giá, chất lượng.

Đối với Navico, thời gian tới, Công ty cho biết sẽ đi vào chất lượng của chuỗi sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, giảm chi phí, đảm bảo được môi trường. Thúc đẩy dự án vùng nuôi sớm đi vào hoạt động nhằm hoàn thành chuỗi giá trị khép kín và nâng sản lượng xuất khẩu. Công ty cũng tìm kiếm thêm các khách hàng mới kết hợp với duy trì khách hàng hiện hữu để cải thiện thị phần cũng như thúc đẩy tăng trưởng.

Hiện nay, Công ty đảm bảo tự chủ 100% thức ăn cho việc nuôi trồng, 100% cá nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, trong đó 8 lines nhà máy thức ăn với công suất 800 tấn thành phẩm/ngày, 21 vùng nuôi cá với tổng diện tích mặt nước đạt 250 ha. Trong năm 2018, Công ty đầu tư 540 tỷ đồng vốn thành lập Công ty TNHH MTV NTTS Nam Việt - Bình Phú với diện tích gần 600 ha phục vụ cho việc nuôi trồng. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2019, vùng nuôi này sẽ cho sản lượng phục vụ sản xuất.

Navico hiện có 3 nhà máy chế biến với tổng công suất thiết kế 600 tấn cá nguyên liệu/ngày, gồm: Nhà máy Ấn Độ Dương 400 tấn cá nguyên liệu/ngày, nhà máy Nam Việt 120 tấn cá nguyên liệu/ngày và nhà máy Thái Bình Dương 80 tấn cá nguyên liệu/ngày.

Theo đó, Nam Việt đặt kế hoạch năm 2019 với tổng doanh thu 6,000 tỷ đồng và tổng lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng, cổ tức tăng lên 20%. Riêng trong quý 1, doanh thu đạt hơn 910 tỷ đồng, tăng gần 12% so quý 1/2018. Lãi ròng hơn 200 tỷ đồng, gấp 2.6 lần so cùng kỳ năm 2018.

Với mô hình sản xuất khép kín được đầu tư từ nhiều năm qua và những thuận lợi về thị trường, vùng nguyên liệu từ năm 2017, từ đó năm 2018 là một năm tăng trưởng vượt bậc của ANV với kim ngạch xuất khẩu đạt 145 triệu USD, tăng 56% so với năm 2017.

Kết quả kinh doanh năm 2018 của Nam Việt

Minh An

Fili

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma