Trước khi lãnh đạo bị bắt, khu đô thị Tân Phú huy động trái phép gần 500 tỷ đồng

28/04/2020 16:18

Trước khi lãnh đạo TCT Bình Dương bị bắt để điều tra những sai phạm liên quan đến dự án Khu dân cư Tân Phú ở Bình Dương có diện tích 43ha, cơ quan chức năng cho biết đã có 615 giao dịch góp vốn của khách hàng qua tài khoản của Công ty đầu tư xây dựng Tân Phú để đầu tư dự án với số tiền hơn 460 tỷ đồng.

Trước khi lãnh đạo bị bắt, khu đô thị Tân Phú huy động trái phép gần 500 tỷ đồng

Trước khi lãnh đạo TCT Bình Dương bị bắt để điều tra những sai phạm liên quan đến dự án Khu dân cư Tân Phú ở Bình Dương có diện tích 43ha, cơ quan chức năng cho biết đã có 615 giao dịch góp vốn của khách hàng qua tài khoản của Công ty đầu tư xây dựng Tân Phú để đầu tư dự án với số tiền hơn 460 tỷ đồng.

* Bình Dương: Vụ thâu tóm 43 ha 'đất vàng' gây thiệt hại gần 127 tỉ đồng

* Vụ thâu tóm 'đất vàng' 43 ha: Bắt 3 lãnh đạo Tổng công ty Bình Dương

Huy động vốn trái phép gần 500 tỷ đồng

Theo quy hoạch được phê duyệt, Khu đô thị Tân Phú có diện tích 43ha, tương đương khoảng 2.000 đất nền thương phẩm. Sau khi làm lễ khởi công vào năm 2018, nguồn tin của chúng tôi xác nhận có hơn 600 trăm khách hàng đã chuyển tiền cho Công ty đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) dưới hình thức góp vốn như: “Góp vốn dự án Tân Phú”, “Hợp đồng vay vốn dự án”, “Hợp đồng cho vay ưu tiên mua đất được ưu tiên chọn”.

Cụ thể theo danh sách cho thấy, ngày 6/7/2018, ông H.T. góp vốn dự án Tân Phú 3 tỷ đồng; ngày 22/8/2018, khách hàng H.T.T. đã chuyển 2,4 tỷ đồng theo 2 hợp đồng vay dưới hình thức góp vốn dự án; ngày 10/4/2019, khách hàng N.T.P. nộp số tiền 1,4 tỷ đồng theo hợp đồng… Các khách hàng góp vốn hoặc cho vay tại dự án Khu đô thị Tân Phú từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Có khách hàng như ông N.P góp vốn mua dự án đến 6 tỷ đồng hay như bà L.T.P góp vào tài khoản Công ty Tân Phú với số tiền 3 tỷ đồng…

Khu đất 43 ha nay bị Cơ quan điều tra tạm giữ "sổ đỏ" để làm vật chứng vụ án đang điều tra

Theo cơ quan chức năng, từ tháng 7/2018 đến hết tháng 10/2019 đã có 615 giao dịch được chuyển tiền qua ngân hàng theo số tài khoản của Công ty Tân Phú với tổng số tiền lên đến hơn 466,4 tỷ đồng, đó là chưa kể lượng giao dịch tiền mặt. Trong đó, có những giao dịch có tổng giá trị chuyển nhượng lên đến hơn 37 tỷ đồng và tháng 1/2019 đã chuyển cho Công ty Tân Phú hơn 33,3 tỷ đồng để đặt quyền chọn mua 7 lô đất có tổng diện tích 856 m2.

Tuy nhiên, năm 2019, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã buộc dừng thi công do dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư và chưa có giấy phép xây dựng. Cho đến thời điểm này, Khu đô thị Tân Phú vẫn chưa có giấy phép xây dựng, chưa hợp pháp.

Ngoài ra, Khu đô thị Tân Phú 43ha này đang là tang vật của vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TCT Bình Dương mà Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án đồng thời bắt tạm giam 3 lãnh đạo của đơn vị này. 

Rủi ro khi hợp đồng góp vốn bị vô hiệu

Theo Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, việc ký kết các hợp đồng hình thức góp vốn chưa hoàn chỉnh ẩn chứa nhiều rủi ro mà người bị thiệt hại chính là người góp vốn.

"Theo Bộ luật Dân sự, một giao dịch dân sự khi có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm thì giao dịch đó vô hiệu. Hợp đồng góp vốn hay hợp tác kinh doanh nhưng dự án chưa có cơ sở hạ tầng và các điều kiện khác như Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 và Luật Nhà ở 2014 qui định sẽ có khả năng bị vô hiệu, việc này ẩn chứa nhiều rủi ro mà người bị thiệt hại chính là người góp vốn", luật sư Thảo nói.

Tỉnh Bình Dương có văn bản cử đại diện sở TN-MT bảo quản vật chứng vụ án là giấy chứng nhận khu đất 43ha.

Trước đó, ngày 22/4, cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản tạm giữ hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và khu đất 43 ha này. Cả hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này đều được Sở TN-MT tỉnh Bình Dương cấp cho Công ty Tân Phú và tháng 2/2013.  Sau khi tạm giữ hai quyền sử dụng đất này, UBND tỉnh Bình Dương cũng giao đại diện Sở TN-MT tỉnh này nhận bàn giao vật chứng, bảo quản là giấy chứng nhận trên để phục vụ công tác điều tra.

Tuy nhiên, hai giấy này chỉ là công chứng, bởi trước đó hai quyền sử dụng đất gốc 43 ha này đã được Công ty Tân Phú thế chấp cho Ngân hàng Thương mại Phương Đông- chi nhánh TPHCM vào tháng 9/2019 để cho Công ty CP xây dựng Công nghiệp Nam Kim vay số tiền gần 300 tỷ đồng. 

Như chúng tôi thông tin, ngày 8/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện lệnh bắt khẩn cấp ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch HĐQT TCT Bình Dương, ông Trần Nguyên Vũ- Giám đốc TCT Bình Dương do có những sai phạm khi chuyển nhượng 43 ha đất công tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một cho Công ty Tân Phú. 

Lâm Trần

Tiền phong

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma