Vọt hơn 6%, vàng thế giới đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2019

01/05/2020 08:10

Các hợp đồng vàng tương lai tiếp tục suy giảm trong phiên đầy biến động ngày thứ Năm (30/04), nhưng vẫn ghi nhận đà tăng trong tháng qua với giá vàng được hỗ trợ một phần bởi nhu cầu vật chất ngày càng tăng cùng với kỳ vọng rằng các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu sẽ buộc phải áp dụng các biện pháp kích thích nhằm làm giảm tác động của đại dịch COVID-19, MarketWatch đưa tin.

Vọt hơn 6%, vàng thế giới đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2019

Các hợp đồng vàng tương lai tiếp tục suy giảm trong phiên đầy biến động ngày thứ Năm (30/04), nhưng vẫn ghi nhận đà tăng trong tháng qua với giá vàng được hỗ trợ một phần bởi nhu cầu vật chất ngày càng tăng cùng với kỳ vọng rằng các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu sẽ buộc phải áp dụng các biện pháp kích thích nhằm làm giảm tác động của đại dịch COVID-19, MarketWatch đưa tin.

Áp lực lạm phát tại Mỹ đã giảm bớt trong tháng 3/2020. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân đã giảm 0.3% trong tháng chủ yếu do giá năng lượng, kéo mức tăng trong năm qua từ 1.8% xuống còn 1.3%.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng vàng giao tháng 6 lùi 19.20 USD (tương đương 1.1%) xuống 1,694.20 USD/oz. Giá vàng đã nhảy vọt sau các động thái chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong ngày thứ Tư (29/04), diễn ra vào khoảng nửa giờ sau khi kim loại chốt phiên trên sàn Comex.

Trong tháng qua, vàng đã vọt 6.1%, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2019, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.

Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Năm, hợp đồng vàng giao ngay mất 1.6% còn 1,683.72 USD/oz.

“Đối với vàng, 2 yếu tố chính cần theo sát là lãi suất và kỳ vọng lạm phát vì chúng là yếu tố đầu vào cho phương trình tính lãi suất thực và cuối cùng, lãi suất thực có tác động lớn đến sức hấp dẫn của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn”, Tyler Richey, Đồng biên tập tại Sevens Report Research, nhận định. “Nếu lãi suất thực tăng, thì trái phiếu Chính phủ Mỹ trong ngắn hạn trở nên hấp dẫn hơn khi chúng mang lại lợi nhuận, nhưng nếu lãi suất thực giảm, như đã thể hiện phần lớn trong quý 1/2020, thì vàng trở thành kênh đầu tư vốn né tránh rủi ro tốt hơn”.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), vốn đã thực hiện một số biện pháp khẩn cấp kể từ cuộc họp gần nhất vào đầu tháng 3/2020, bao gồm Chương trình mua khẩn cấp trong đại dịch trị giá 750 tỷ Euro (tương đương 812.5 tỷ USD), đã giữ lãi suất không đổi vào ngày thứ Năm. Trong cuộc họp báo, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết nền kinh tế khu vực đồng Euro có thể giảm từ 5% đến 12% trong năm nay.

Cuộc họp của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ khu vực đồng Euro diễn ra một ngày sau khi Fed giữ lãi suất liên bang ở mức 0-0.25% và tuyên bố sẽ sử dụng các công cụ chính sách để hạn chế thiệt hại kinh tế từ sự bùng phát dịch bệnh đã lây nhiễm hàng triệu người và cướp đi mạng sống hàng trăm ngàn người trên toàn cầu.

Khoảng 3.8 triệu người Mỹ đã lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước, đưa số lượng thất nghiệp kỷ lục trong cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 lên 30 triệu trong 1 tháng rưỡi.

Động thái của vàng cũng diễn ra khi Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết nhu cầu đầu tư vàng nhảy vọt trong quý đầu tiên khi dịch COVID-19 thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn của kim loại quý.

Theo đó, WGC cho biết tổng nhu cầu đầu tư vàng, bao gồm vàng thỏi, tiền xu và các khoản đầu tư vào quỹ giao dịch được hỗ trợ bằng vàng, vọt 80% so với cùng kỳ năm trước lên đỉnh 4 năm là 539.6 tấn trong quý 1/2020.

Trong số các kim loại trên sàn Comex, hợp đồng bạc giao tháng 7 lùi 2.2% xuống 14.973 USD/oz, nhưng vẫn tăng 5.8% trong tháng qua, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2019.

Hợp đồng đồng giao tháng 7 mất 1.1% còn 2.344 USD/lb. Trong khi đó, hợp đồng bạch kim giao tháng 7 tiến 1.7% lên 813 USD/oz. Hợp đồng paladi giao tháng 6 cộng 2% lên 1,956 USD/oz.

An Trần

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma