Nỗi lo thu khó, tiêu nhiều... bội chi tăng lên

30/04/2020 10:38

Năm 2020 ngân sách sẽ hụt thu hàng trăm nghìn tỷ đồng trong khi chi tiêu tăng lên do những ảnh hưởng không thể lường trước của đại dịch Covid-19.

Nỗi lo thu khó, tiêu nhiều... bội chi tăng lên

Năm 2020 ngân sách sẽ hụt thu hàng trăm nghìn tỷ đồng trong khi chi tiêu tăng lên do những ảnh hưởng không thể lường trước của đại dịch Covid-19.

* Năm 2020: TP.HCM phải thu ngân sách 405.828 tỉ đồng

* Thu ngân sách nhà nước sẽ ngày càng khó?

Chính phủ vừa có báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Năm 2019 sáng sủa...

Báo cáo của Chính phủ cho thấy nhiều gam màu tươi sáng trong điều hành ngân sách năm 2019. Theo đó, thu ngân sách đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng tới gần 140 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tăng 93,77 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội, tăng 8,3% so với thực hiện năm 2018.

Thu ngân sách năm 2019 rất khả quan, nhưng năm 2020 thì khác.

Trong số các con số đóng góp vào tăng thu ngân sách, thu từ dầu thô thể hiện dấu ấn quan trọng. Trong đó, thu ngân sách từ dầu thô đạt hơn 56 nghìn tỷ đồng, vượt 11,65 nghìn tỷ đồng so dự toán. Nguyên nhân chủ yếu nhờ giá dầu thô bình quân đạt 67,5 USD/thùng, tăng 2,5 USD so với giá dự toán và báo cáo Quốc hội; sản lượng thanh toán tăng.

Tổng chi ngân sách nhà nước đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, vượt 114,7 nghìn tỷ đồng so dự toán. Cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, cao hơn mục tiêu đề ra cho giai đoạn 5 năm 2016-2020; trong đó, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29,2%  (mục tiêu là 25-26%), chi thường xuyên còn khoảng 61% tổng chi ngân sách nhà nước (mục tiêu là dưới 64%).

Thu ngân sách đạt kết quả tốt, nên bội chi ngân sách năm 2019 cũng đạt con số tích cực. Bội chi ngân sách năm 2019 là hơn 202 nghìn tỷ đồng, giảm 19 nghìn tỷ đồng so dự toán, bằng 3,36% GDP thực hiện. Trong khi đó mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm 2019 là 222 nghìn tỷ đồng (3,6%GDP).

Tăng trưởng quý I năm 2020 thấp hơn rất nhiều cùng kỳ các năm trước.

... thì năm 2020 thách thức bấy nhiêu

Nhưng số liệu kể trên cho thấy điều hành ngân sách 2019 khá sáng sủa. Nhưng tình hình năm 2020 đang cho thấy một bức tranh trái ngược hoàn toàn vì đại dịch Covid – 19.

Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020 được Quốc hội quyết định với tổng số thu là 1,51 triệu tỷ đồng; tổng số chi là 1,74 triệu tỷ đồng. Bội chi ngân sách là 234 nghìn tỷ đồng (3,44% GDP).

Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Báo cáo của Chính phủ cho biết: Giá dầu thô bình quân 4 tháng đạt khoảng 58 USD/thùng. Giả định sản lượng dầu cả năm đảm bảo kế hoạch 9,02 triệu tấn và giá dầu 8 tháng cuối năm duy trì trong khoảng 25-28 USD/thùng, khi đó giá dầu bình quân cả năm đạt khoảng 30-35 USD/thùng.

Trường hợp giá dầu xuống thấp trong thời gian dài, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam buộc phải xem xét dừng hoạt động một số mỏ, nhà máy lọc dầu, tăng nhập khẩu dầu thô dự trữ…, thì cũng là rủi ro làm thu ngân sách nhà nước giảm thêm.

Nhắc đến ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 đến nền kinh tế, báo cáo của Chính phủ cho hay: Thu ngân sách nhà nước năm 2020 cịu tác động bởi 4 nhân tố chính. Một là tăng trưởng kinh tế khả năng đạt thấp. Hai là giá dầu thô giảm sâu. Ba là điều chỉnh chính sách thu ngân sách nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bốn là tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp khi tốc độ hiện đang rất chậm, là một rủi ro lớn đối với nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Bộ Tài chính ước tính thu ngân sách nhà nước năm 2020 dự kiến giảm khoảng 130-150 nghìn tỷ đồng. Số liệu này được dự báo dựa trên cơ sở sơ bộ dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 5,3%; giá dầu bình quân cả năm khoảng 30-35 USD/thùng; thực hiện các biện pháp giãn, giảm thuế, phí và cơ bản chưa thu được khoản tiền bán vốn nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế.

Trường hợp dịch kéo dài hơn, tăng trưởng kinh tế thấp hơn (dưới 5%, thậm chí dưới 3% như dự báo của các tổ chức quốc tế nêu trên), Chính phủ lo ngại thu ngân sách dự kiến giảm lớn hơn, nhất là số thu ở các khu vực kinh tế trọng điểm đang chịu rất nhiều tác động từ sự đình trệ của các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại, logistics, như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng,…

Thu ngân sách căng thẳng, nhưng chi ngân sách lại chịu nhiều áp lực phải tăng thêm để phòng chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế.

Chính phủ dự kiến phải tăng chi khoảng 52 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống, dập dịch, hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, đảm bảo an sinh và an toàn xã hội. Trong đó, khoảng 12-16 nghìn tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị y tế; thực hiện một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 (phụ cấp cho lực lượng phòng chống dịch, tiền ăn và khám chữa bệnh cho người bị cách ly,...). Còn lại khoảng 36 nghìn tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 , đảm bảo an sinh xã hội.

Do đó, bội chi năm 2020 được Bộ Tài chính dự báo cách đây ít lâu là sẽ tăng thêm khoảng 1,5-1,6% GDP (tức là ở mức 5-5,1%GDP), trong khi mức bội chi Quốc hội dự toán cho năm 2020 chỉ là 3,44% GDP.

Để giảm áp lực phần nào cho ngân sách, Chính phủ đề ra giải pháp triệt để tiết kiệm, cắt giảm các chi phí không cần thiết như hội họp, đi nước ngoài. Các địa phương thực hiện đúng nguyên tắc “trường hợp giảm thu phải giảm chi tương ứng”; chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và nguồn lực tại chỗ để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự trên địa bàn và các nhiệm vụ chi cấp thiết phát sinh theo chế độ. Dành nguồn tăng thu ngân sách năm 2019 chuyển sang năm 2020 để thực hiện phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ đảm bảo cân đối ngân sách địa phương trong trường hợp bị hụt thu (nếu có).

Ngoài ra, Chính phủ dự kiến tiếp cận đàm phán một số khoản vay có chi phí thấp từ các tổ chức quốc tế (như: Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển Châu Á, Ngân hàng thế giới, Cơ quan phát triển Pháp, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản,...) để nghiên cứu, góp phần giảm áp lực vay trong nước.

Lương Bằng

vietnamnet

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma